Theo Telegraph đưa tin, Lil Miquela và Bella Hadid là hai người mẫu ảo mới nhất tham gia chiến dịch quảng cáo cho hai nhà mốt Prada và Burberry. Các video và hình ảnh của hai cô nàng hiện đã thu hút gần 3 triệu người theo dõi trên Instagram. Riêng cô người mẫu Lil Miquela sở hữu tài khoản Instagram với có 2,9 triệu lượt theo dõi.
Theo thông tin giới thiệu trên Instagram, Miquela năm nay 19 tuổi, là người Mỹ gốc Brazil. Miquela không phải ngôi sao mạng xã hội bình thường bởi hình ảnh của cô gái mặt đầy tàn nhang này thường xuyên có mặt trong hình của những người nổi tiếng, như rapper Diplo hay ca sĩ Samantha Urbani (tất cả đều không phải người thật).
Miquela được thiết kế bởi Brud - một công ty khởi nghiệp ở Los Angeles. Trên trang cá nhân của cô người mẫu ảo có dòng giới thiệu: "Tôi là người, nhưng không phải con người".
Tuy chỉ tồn tại trong thế giới ảo, nhưng cô nàng lại có nguồn thu là tiền thật. Được biết, mỗi bài đăng được tài trợ trên Instagram của cô mang về cho Brud khoảng 8.500 USD. Như vậy, trong một năm, tổng số tiền cô kiếm được lên tới 10 triệu USD.
Nhưng Miquela không phải là người mẫu ảo duy nhất tồn tại. Theo thống kê, nhóm các người mẫu ảo được tạo từ CGI (Computer Generated Imagery - công nghệ tạo hình ảnh bằng phần mềm máy tính) đang tạo được nhiều dấu ấn rất lớn trong lĩnh vực thời trang. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng phát càng tăng thêm cơ hội cho những người mẫu ảo này.
Điển hình như Shudu Gram - một người mẫu ảo của CGISA hiện đang làm người mẫu cho thương hiệu làm đẹp Fenty của Rhianna và các chiến dịch quảng báo cho Ellesse và Balmain. Thậm chí "siêu mẫu" này đã từng sải bước trên thảm đỏ tại lễ trao giải Bafta với một chiếc váy ảo có tên Swarovski vào năm ngoái.
Hay Blawko, một mẫu ảo khác do Brud tạo ra, cũng mang về 1.000 USD mỗi bài đăng. Một mẫu khác tên Imma cũng đang hợp tác với thương hiệu Porsche và Ikea. Cô từng xuất hiện trên i-D Magazie phiên bản Nhật cùng những người mẫu thật khi quảng cáo mỹ phẩm của hãng Kanebo.
Theo Cameron-James Wilson, nhà thiết kế người Anh - người đã tạo ra Shudu Gram, cho biết đã có nhiều nhãn hàng từng nói không với mẫu ảo thì nay đã liên hệ lại với anh.
Michael Mllionsu, đồng sáng lập công ty mô hình ảo Lalaland có trụ sở tại Amsterdam (Hà Lan) cho biết một trong những lý do các thương hiệu thời trang tìm đến người mẫu ảo là chi phí. Bởi các mô hình này được tạo ra với số tiền khá nhỏ, hơn nữa chúng rất dễ chỉnh sửa và có thể áp dụng một cách đơn giản. Ngoài ra, khi thuê người mẫu ảo, các thương hiệu cũng không cần tìm địa điểm chụp hình, thuê nhiếp ảnh gia, người trang điểm hay "stylist".
Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí thì việc sử dụng mẫu ảo còn có rất nhiều lợi ích về môi trường. Theo cơ quan nghiên cứu Optoro, ngành thời trang đã thải ra đến 15 triệu tấn carbon dioxide vào bầu khí quyển mỗi năm và tạo ra khoảng 2,2 triệu tấn chất thải. Chính vì vậy các mô hình ảo sẽ làm giảm tỷ lệ này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, khó khăn lớn nhất trong việc tạo ra người mẫu ảo là vấn đề về đạo đức, sắc tộc và màu da. Nhưng đó cũng không phải là vấn đề quá nan giải bởi các chuyên gia cho rằng người mẫu ảo chỉ là một trong những giải pháp phục vụ cho một số mục đích nhất định, khó có thể thay thế người mẫu thật.
Bình luận