Do lượng người nhiễm bệnh tăng nhanh chóng mặt trong khi cơ sở vật chất lại thiếu thốn trầm trọng. Đặc biệt là máy thở oxy đã khiến cảnh xếp hàng dài chờ đến lượt hít khí oxy nhằm duy trì sự sống đã trở thành phổ biến tại đất nước tỷ dân này.
Tuy nhiên, lượng người bị bệnh thì ngày một nhiều lên trong khi lượng oxy có thể cung cấp thì vơi đi theo thời gian, chính điều này đã dẫn đến những quyết định đau đến xé lòng của không ít gia đình. Bởi họ hiểu, buộc phải lựa chọn hi sinh một người để hi vọng lưu giữ sự sống cho người kia.
Tại bệnh viện Gorakhpur (Ấn Độ). Nhiều gia đình bệnh nhân đã nuốt nước mắt đồng ý để các bác sĩ rút máy thở của các bệnh nhân lớn tuổi mắc COVID-19 nặng, nhường cho những người trẻ hơn và có cơ hội sống sót cao hơn đang nằm kề bên.
Bác sĩ Manoj Yadav, khoa hô hấp, bệnh viện Gorakhpur cho biết: "Tại phòng này có 3 bệnh nhân cao tuổi đang phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở, song họ không có tiến triển gì khá hơn bởi phổi của họ đã tổn thương đến 90%. Hi vọng cứu chữa là gần như bất khả thi, bởi vậy chúng tôi đã đề nghị với người nhà của họ, nhường máy thở cho những bệnh nhân trẻ và bị nhẹ hơn, giúp họ có cơ hội sống sót".
Hiện tại, tình trạng thiếu hụt oxy dự trữ tại bệnh viện Gorakhpur và nhiều bệnh viện khác là phổ biến. Rất khó để có thể cung cấp đủ oxy cho tất cả người bệnh và sự hi sinh và đồng cảm của người nhà các bệnh nhân cao tuổi không còn cơ hội cứu chữa với các bệnh nhân khác là điều vô cùng quý giá.
Ngoài nguồn oxy cho máy thở, hầu hết bệnh viện tại nhiều thành phố Ấn Độ không còn giường bệnh. Tình trạng quá tải gần như diễn ra tại tất cả các bệnh viện có bệnh nhân mắc Covid-19. Anh Ujwala Dupare, người nhà một bệnh nhân mắc COVID-19 tại thành phố Chandrapur đau đớn cho hay, mình đã đưa người em trai đến 12 bệnh viện khác nhau song đều bị từ chối vì không còn chỗ, thậm chí là anh xin được cho em mình nằm ở sàn, nhưng cũng không được chấp nhận vì nhiều lý do.
Nhiều gia đình đành chấp nhận để người thân mắc bệnh nằm tại nhà và cố gắng duy trì sự sống cho họ. Dẫu biết như vậy thì nguy cơ lây nhiễm cho cả gia đình lại càng cao hơn bao giờ hết.
Oxy sạch là thứ duy trì sự sống quan trọng nhất tại Ấn Độ vào lúc này. Nhưng nỗ lực mua oxy tại các cửa hàng y tế là không còn khả năng bởi nguồn cung theo thông báo là đã hết từ lâu. Buộc lòng những gia đình có nhu cầu phải tìm đến các "cò mồi" trên thị trường chợ đen. Chị Priya, một người có người thân nhiễm Covid-19 cho hay, cô đã phải chi 50.000 rupee (khoảng 15 triệu đồng) để mua một bình oxy loại 50 lít ở chợ đen. Trong khi bình thường loại bình này có giá chỉ 5.000 rupee (1,5 triệu đồng).
Giá oxy như vậy đã bị ép giá lên đắt gấp 10 lần bình thường. Trong khi đó, các loại thuốc dùng cho bệnh nhân Covid-19 cũng bị thổi giá lên gấp từ 5 - 7 lần. Đơn cử như loại thuốc Remdesivir, một loại thuốc kháng virus đang được rao bán ở chợ đen với giá 24.000 rupee (khoảng 7 triệu đồng) cho một lọ 100mg trong khi giá bình thường chỉ là khoảng 5.000 rupee.
Thế nhưng nhiều người vẫn "căn răng" chi tiền mua vì họ rất cần thuốc điều trị cho người thân khi mà hệ thống y tế chính thống không có cách nào tiếp nhận nổi tất cả các trường hợp nhiễm bệnh.
Ngoài nạn thổi giá, bán giá thuốc "cắt cổ", tình trạng bán thuốc giả cũng đã xuất hiện ngày một nhiều hơn. Điều này khiến không ít người dân đang khốn khổ vì bệnh tật lại bị lừa gạt, tiền mất mà tật vẫn còn nguyên.
Chính quyền một số bang tại Ấn Độ hiện đang nỗ lực trấn áp và kiểm soát các hoạt động mua bán trái phép tại chợ đen. Song trong tình trạng mất kiểm soát giữa đại dịch như hiện tại của Ấn Độ, chắc chắn sẽ còn nhiều người bệnh đáng thương nữa rơi vào hiểm cảnh mà chưa có lối thoát khả thi.
Bình luận