Theo quy định của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, từ năm 2015, khi tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (áp dụng mức lương cơ sở hiện hành năm 2020 là 1,49 triệu đồng/tháng) và đi khám, chữa bệnh đúng tuyến, người bệnh sẽ được cấp “giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm” và được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các lần khám chữa bệnh tiếp theo trong năm đó, thay vì phải đồng chi trả 5% hoặc 20% chi phí khám, chữa bệnh theo nhóm đối tượng.
Một ví dụ về trường hợp tham gia BHYT 10 năm lại bị viêm đại tràng mãn tính nên bà Nguyễn Thị Ngọc (ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) thường xuyên đi bệnh viện. Mới đây, bà phát hiện bị ung thư đại tràng phải phẫu thuật và hóa trị. Dù đã được Quỹ BHYT chi trả đến 80%, nhưng chi phí đồng chi trả viện phí 20% khá tốn kém.
Tính từ đầu năm đến tháng 8/2020, bà Ngọc phải chi trả đến 80 triệu đồng. Do không biết quyền lợi của người tham gia BHYT 5 năm liên tục nên bà không làm thủ tục để được hưởng chính sách này.
Hay như ông Đặng Trường Giang (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) bị cao huyết áp và đau thần kinh tọa nhiều năm nay nên cũng phải đi bệnh viện thường xuyên. Có lần nằm viện, ông mới để ý dòng chữ ghi trên thẻ BHYT: “Thời điểm đủ 5 năm liên tục từ ngày 22-9-2021”.
Hỏi ra ông mới biết đây là thời hạn tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục. Từ thời điểm ngày 22-9-2021 trở đi, nếu khoản đồng chi trả viện phí của ông lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (tương đương 8,9 triệu đồng), ông sẽ được hưởng quyền lợi dành cho người tham gia BHYT 5 năm liên tục.
Tuy nhiên, ông Giang phát hiện ông tham gia BHYT 15 năm, nhưng trên thẻ BHYT lại ghi tận năm 2021 ông mới đủ 5 năm liên tục là chưa chính xác. Ông đã đến BHXH tỉnh hỏi và được điều chỉnh lại đủ thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục.
Thực tế hiện nay, có không ít người tham gia BHYT liên tục từ 5 năm trở lên nhưng trên thẻ BHYT không ghi thời điểm đủ 5 năm liên tục tham gia BHYT hoặc ghi sai thời điểm mà không hề hay biết để yêu cầu cơ quan BHXH điều chỉnh cho đúng. Trong khi đó, khi đi khám chữa bệnh, nhân viên bệnh viện hay nhân viên BHXH cũng không nhắc quyền lợi của người có 5 năm liên tục tham gia BHYT.
Phó giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Thị Quy cho biết, với thẻ BHYT thông thường, người bệnh chỉ được thanh toán 80% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi chi trả của BHYT, ngoại trừ trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số…
Riêng những người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, quyền lợi của họ được nâng lên rất nhiều.
Vì vậy, khi nhânh thẻ bảo hiểm y tế, người dân nên kiểm tra thông tin về thời điểm đủ 5 năm liên tục tham gia bảo hiểm y tế (theo hướng mũi tên). Nếu thẻ in sai thời điểm, nên đến các cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đăng ký tham gia bảo hiểm y tế để được điều chỉnh cho đúng.
Bà Quy giải thích, để được hưởng quyền lợi BHYT 5 năm liên tục, người bệnh phải có đủ 3 điều kiện: tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, trên thẻ BHYT phải có dòng chữ: “Thời điểm đủ 5 năm liên tục...” (trong trường hợp tham gia BHYT gián đoạn thì không được quá 3 tháng); có số tiền đồng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (áp dụng mức lương cơ sở hiện hành năm 2020 là 1,49 triệu đồng); khám chữa bệnh đúng tuyến.
Khi đã đủ 3 điều kiện này, người tham gia BHYT sẽ không phải trả chi phí khám chữa bệnh trong những tháng còn lại của năm đó.
Phó giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Thị Quy cho biết thêm, có nhiều lý do dẫn đến việc không ghi hoặc ghi sai thời điểm tham gia BHYT liên tục là do cơ quan BHXH chưa cập nhật đầy đủ thông tin về BHYT của người tham gia; tình trạng người tham gia BHYT liên tục nhưng lại chuyển nhiều cơ quan, đóng BHYT tại những địa phương khác nhau, những cơ quan khác nhau và đăng ký tham gia BHYT lại từ đầu; hoặc khi chuyển từ tuyến tỉnh lên tuyến trung ương, bệnh viện tuyến trên không thể tra cứu được tổng số tiền khám chữa bệnh mà bệnh nhân đã đồng chi trả là bao nhiêu - do hệ thống cơ sở dữ liệu chưa được tích hợp đồng nhất trên cả nước, giữa các tỉnh, các bệnh viện với nhau.
Người dân cần chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm: thẻ BHYT, chứng minh nhân dân có ảnh (bản sao); hóa đơn, chứng từ thanh toán viện phí (bản chính). Hồ sơ nộp tại cơ quan BHXH nơi tham gia BHYT để được giải quyết.
BHXH tỉnh lưu ý, để được hưởng quyền lợi khi đủ điều kiện hưởng BHYT 5 năm liên tục, khi đi khám, chữa bệnh, người bệnh nên lưu giữ hóa đơn, chứng từ cẩn thận để có căn cứ cho cơ quan BHXH giải quyết chế độ đảm bảo quyền lợi cho mình.
Bình luận