Theo chuyên trang của nhà xuất bản du lịch nổi tiếng Rough Guides, Việt Nam là quốc gia có nền ẩm thực đa dạng, phong phú và rất riêng biệt, khó quên. Từ những quán ven đường cho đến nhà hàng cao cấp, các món ăn ở Việt Nam đều có đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt. Bên cạnh đó đồ ăn Việt Nam còn có mùi vị riêng biệt nhờ vào các nguyên liệu đặc trưng của mình như nước mắm, đường mía, chanh, ớt và nhiều loại thảo mộc tốt cho sức khoẻ.
Gỏi cuốn sử dụng những lá bánh tráng trong suốt kết hợp cùng rau xanh, rau thơm, thịt lợn và tôm. Phiên bản gỏi cuốn miền Nam còn sử dụng thêm nhiều nguyên liệu khác như chuối xanh, khế và dùng sốt đậu phộng để chấm.
Gỏi cuốn thường được coi là món khai vị trong nhiều nhà hàng ở Việt Nam. Gỏi cuốn được nhiều người ưa thích vì ăn ngon, mát, nhẹ bụng và ít béo. Ngoài mua sẵn, nhiều người còn tự làm gỏi cuốn tại nhà với những biến tấu tùy thích. Tham khảo cách làm gỏi cuốn chắc tay, không rách lại khoe được hết nhân tôm thịt tại đây.
Bánh mì hiện một trong những món ăn đường phố phổ biến nhất tại Việt Nam tuy nhiên nguồn gốc bánh mì Việt vốn dĩ là từ chiếc baguette của Pháp. Tuy nhiên từ khi du nhập vào Việt Nam, bánh mì đã có nhiều thay đổi phù hợp với thói quen của người bản địa và trở thành món ăn Việt Nam nổi tiếng trên toàn thế giới.
Bánh mì Việt vô cùng đa dạng với nhiều biến tấu phụ thuộc vào từng vùng miền. Phần nhân bánh mì cơn bản nhất thường là pate, trứng, chả đồ chua và rau thơm và một số loại thịt.
Bánh xèo là món bánh phổ biến ở nhiều tỉnh miền Trung và miền Nam. Bánh xèo đổ mỏng, vỏ có thể giòn hoặc mềm tùy từng nơi, bên trong là nhân tôm, thịt lợn, trứng và giá đỗ hấp dẫn. Sau khi được rán vàng, bánh xèo sẽ được cuốn cùng bánh tráng, thêm vào chút rau sống và chấm kèm nước mắm chua ngọt.
Có thể nói bún chả chính là đặc sản của Hà Nội, bạn có thể tìm thấy nhiều quán bún chả ngon tại vỉa hè thành phố. Phần thịt chả sau khi được nướng vàng trên bếp than sẽ được đem ra dùng kèm bún, nước chấm và rau sống.
Bún chả thường được dùng như một món ăn trưa tại Việt Nam. Dù được cho là khá giống thịt viên hay hamburger, thế nhưng theo đánh giá của nhiều người, phần chả viên trong bún chả luôn có nét đặc trưng và mùi vị hấp dẫn vô cùng.
Sẽ không quá lời khi gọi phở là “món ăn quốc dân” của Việt Nam. Bạn có thể thưởng thức món ăn này vào bất kì thời điểm nào trong ngày, tuy nhiên thường thì người Việt Nam chọn phở làm bữa sáng mở đầu một ngày mới.
Phở có nguồn gốc từ miền Bắc, thế nhưng hiện nay bạn có thể tìm kiếm món ăn này ở mọi miền của “dải đất hình chữ S”. Một bát phở sẽ gồm có nước dùng ngọt thanh được nấu từ thịt bò hoặc gà, sau đó cho thêm phần bánh phở, thịt, hành lá, rau sống và các gia vị khác.
Cao lầu là đặc sản của phố cổ Hội An. Một bát cao lầu sẽ gồm có cao lầu (sợi mì vàng, dày và dai hơn sợi phở), thịt heo xá xíu, giá đỗ, rau sống và một bát được dùng đi kèm. Ngoài ra một bát cao lầu còn được rắc lên phía trên chút tóp mỡ hoặc cao lầu khô thái vuông rồi chiên giòn. Bạn có thể tìm thấy món cao lầu tại hầu hết các quán vỉa hè và nhà hàng sang trọng ở phố cổ Hội An.
Chả cá là một trong những món ăn nổi tiếng và đặc trưng của ẩm thực Hà Thành. Những miếng cá sau khi được sơ chế sẽ được cắt thành miếng vừa ăn rồi đem áp chảo cùng hành lá và rau thì là. Khi ăn sẽ dùng kèm bún, lạc rang và mắm tôm.
Mì Quảng là món ăn được biết đến nhiều tại Quảng Nam và Đà Nẵng. Sợi Mì Quảng thường được làm từ bột gạo xay mịn và tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó đem thái nhỏ để có được những sợi mì dai mỏng.
Mì Quảng thường được dùng kèm tôm, thịt, lạc rang, trứng cút và nhiều loại rau sống. Khi ăn người ta sẽ chan vào phần nước dùng xương ngọt thanh và đặt thêm vài miếng ớt nhở để tô mì quảng thêm đậm đà.
Có thể nói cơm tấm là một trong những món ăn phổ biến nhất tại Sài Gòn. Bạn có thể dễ dàng thưởng thức một đĩa cơm tấm trên các con phố hay quán ăn ở thành phố này.
Một phần cơm tấm thường gồm có phần cơm (được nấu từ gạo tấm), thịt hoặc sườn heo nướng, chả trứng, bì trộn và trứng ốp la. Khi ăn, bạn thường rưới vào một chút nước mắm chua ngọt và dùng kèm đồ chua để đĩa cơm tấm thêm hấp dẫn mà không ngấy.
Bình luận