Bộ Y tế chấp thuận đưa 2 loại thuốc vào phác đồ điều trị Covid-19
- Thanh Lê
- Đăng lúc: Thứ năm, 02/09/2021 00:18 (GMT +7)
2 loại thuốc điều trị bệnh Covid-19 đã được Bộ Y tế chấp thuận và có hướng dẫn cụ thể là Remdesivir và Molnupiravir.
Dịch Covid-19 tại nước ta vẫn diễn biến vô cùng phức tạp, Bộ Y tế dựa trên tình hình thực tế cũng như kinh nghiệm quốc tế, đồng thời cập nhật liên tục các phác đồ về điều trị, thuốc. Dưới đây 2 loại thuốc điều trị bệnh Covid-19 đã được Bộ Y tế chấp thuận và có hướng dẫn cụ thể.
1. Remdesivir
Liên quan đến việc phân bổ, sử dụng thuốc Remdesivir, vào ngày 12/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký văn bản gửi các đơn vị, kèm theo hướng dẫn triển khai sử dụng loại thuốc này trong điều trị Covid-19.
New York Times cho biết, đến nay để điều trị Covid-19, Remdesivir là loại thuốc đầu tiên và duy nhất được Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt. Loại thuốc này được sản xuất bởi công ty Gilead Sciences với thương hiệu Veklury.
Ban đầu, Remdesivir được thử nghiệm để nghiên cứu thuốc điều trị Ebola và Viêm gan C, nhưng hiệu quả khi ấy không rõ rệt. Đến khi dịch Covid-19 bùng phát, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng loại thuốc này có thể ngăn chặn sự sinh sôi của virus corona trong tế bào. Theo kết quả của 1 thử nghiệm lâm sàng đã cho thấy sau khi sử dụng loại thuốc này, những người nhập viện do Covid-19 có thời gian hồi phục từ 15 xuống 11 ngày. Và đến ngày 22/10/2020, Remdesivir đã được FDA cấp phép sử dụng cho cho tất cả bệnh nhân mắc Covid-19 đủ từ 12 tuổi trở lên.
Dù vậy không ít các chuyên gia vẫn cho rằng không có bằng chứng cụ thể cho thấy Remdesivir thực sự ngăn ngừa tử vong do Covid-19. Đến 2/2021, một thử nghiệm ngẫu nhiên toàn cầu đã mang lại kết quả rõ rệt hơn và lúc này các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới đã kết luận rằng, thuốc Remdesivir có ít hoặc không ảnh hưởng đến những người bị mắc Covid-19.
Tại Việt Nam, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương bác sĩ Phạm Văn Phúc cho biết, việc quyết định đưa thuốc Remdesivir vào điều trị bệnh nhân Covid-19 sẽ giúp các bác sĩ có sự lựa chọn liệu pháp điều trị thuốc kháng virus hiệu quả cho những bệnh nhân Covid-19 nặng. Tuy nhiên bác sĩ cũng nhấn mạnh, hiện vẫn chưa thấy tỷ lệ tử vong được cải thiện rõ rệt khi những bệnh nhân mắc Covid-19 dùng thuốc này. Do đó, bác sĩ Phúc cho rằng, việc sử dụng Remdesivir ở nhóm bệnh nhân nguy kịch cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.
2. Molnupiravir
New York Times cho biết, thuốc Molnupiravir trước đây có tên EIDD-2801 và hiện nay còn được gọi là MK-4482. Đây là một loại thuốc kháng virus được phát triển với mục đích ban đầu là để chống lại bệnh cúm. Tới nay loại thuốc này được công ty Ridgeback Biotherapeutics và Merck hợp tác để phát triển nó như một phương pháp giúp điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19.
Theo nghiên cứu ban đầu được thực hiện trên tế bào phổi người và trên động vật cho thấy Molnupiravir có thể dùng dưới dạng viên uống và mang tới những kết quả khả quan trong điều trị cho những bệnh nhân mắc Covid-19.
Nhưng Merck và Ridgeback vào tháng 4 vừa qua đã thông báo vì dữ liệu không cho thấy hiệu quả rõ rệt ở bệnh nhân nhập viện, do đó họ sẽ thử nghiệm Molnupiravir ở những bệnh nhân không nằm viện.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế phối hợp TP.HCM triển khai chương trình chăm sóc tại nhà - có tên tiếng anh là home-based care, có kiểm soát cho các trường hợp F0 ngoại trú từ ngày 16/8. Trong đó, ngành y tế sẽ sử dụng thuốc Molnupiravir để phát cho những bệnh nhân F0 điều trị tại nhà. Như vậy ở nước ta, TP.HCM là địa phương đầu tiên thí điểm chương trình điều trị tại nhà dành cho các F0 không triệu chứng, tình trạng vừa đến nhẹ từ ngày 16/8.
Theo đó, nhóm F0 này sẽ được cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, cộng đồng; đồng thời được cung cấp một số sản phẩm nâng cao sức khỏe, hộp thuốc home-based care cùng với đó là hỗ trợ tư vấn và quản lý sức khỏe trong phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời nhóm F0 và các thành viên ở tại gia đình cũng được cung cấp gói thực phẩm bảo đảm an sinh xã hội, để những người này không ra ngoài, để góp phần làm giảm nguy cơ lây lan khi không có sự tiếp xúc ngoài cộng đồng.
Ngoài ra, bệnh nhân F0 điều trị tại nhà sẽ được nhận tài liệu hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế để theo dõi sức khỏe, tự chăm sóc và liên lạc với cơ sở y tế trong trường hợp trở nặng.