Ẩm thực Việt Nam vô cùng phong phú, đặc biệt là các món nước như bún, phở, hủ tiếu, trong đó, các món bún có vị trí vô cùng quan trọng bởi sự tùy biến, đa dạng. Ngoài sự đa dạng về các chế biến, nguyên liệu của nhân, nước dùng, sợi bún của các vùng cũng có những khác biệt nhất định.
Tuy nhiên điểm chung của bún là sử dụng bột gạo để chế biến. Do đó, món bún bắp của xứ Nẫu Phú Yên sẽ khiến nhiều người bất ngờ khi nghe tên và nếm thử.
Bún bắp không phải món bún định danh cho món ăn như bún riêu, bún ốc, bún cua thối hay bún bò Huế. Bún bắp làm từ nguyên liệu chính là bắp. Khi chế biến xong, bún bắp sẽ thay sợi bún từ gạo kết hợp được với đủ loại bún trộn, bún nước khác mà hương vị vẫn giữ nguyên.
Bún bắp có nguồn gốc từ xã An Dân, Tuy An, Phú Yên. Mặc dù trước đây, bún bắp là món ăn quen thuộc với người dân nơi đây, thế nhưng do món bún này có cách làm khá cầu kỳ nên hiện nay không nhiều người ở đây còn theo nghề làm bún bắp nữa.
Khi bắt tay làm bún bắp, công đoạn đầu tiên mà người ta phải thực hiện là giã bắp. Một mẻ làm thường gồm có 5kg bắp khô giã chung với trấu. Người làm bún phải giã và sàng sảy sao cho hạt bắp nát đều, tạo thành các hạt nhỏ gọi là gạo bắp. Tiếp đó, phần gạo bắp sẽ được mang đi ngâm trong nước khoảng 30 phút và vớt ra rồi ủ cho lên men chua. Thời gian để ủ gạp bắp sẽ là khoảng 1 ngày 1 đêm. Tuy nhiên khi đã ủ xong, gạo bắp lại được mang đổ ra một chiếc nia to và phơi thêm 3 ngày nữa.
Trước khi được cho vào cối để quét thành bột, gạo bắp sẽ được người làm bún mang đi ngâm nước để khử mùi chua và giúp bột tơi hơn. Sau đó, bột bắp được nén lại, cắt thành miếng vừa phải và luộc lại khoảng 15 phút rồi tiếp tục được mang đi xay nhuyễn, nhồi với nước ấm và cho vào máy để thu được những sợi bún bắp vàng óng.
Để làm được một mẻ bún bắp, người ta cần chờ từ 6 đến 7 ngày với rất nhiều công đoạn tỉ mỉ, cẩn thận. Có lẽ vì được chăm chút như vậy mà sợi bún bắp không chỉ có màu vàng tươi đẹp mắt mà còn mềm dai chứ không cứng hay nhão. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh và không bị ngán.
Bún bắp thường được kết hợp cùng nhiều nguyên liệu khác để tạo thành món bún bắp giò heo, bún bắp ốc, bún bắp canh chua cá bống hoặc mang xào với lòng heo. Ngoài ra bún bắp cũng thường được dùng để làm nguyên liệu cho bún hải sản cũng rất hợp vi. Đặc biệt, nếu có dịp đến đầm Ô Loan, bạn có thể tìm và thưởng thức món bún bắp ăn với nước dùng làm cá tươi và rau ngót.
Vì làm cầu kỳ nên dù là món ngon nhưng không nhiều quán bán bún bắp, có chăng người bán thêm bún bắp vào như một lựa chọn cho thực khách. Và có thể nếu chọn bún bắp, quán sẽ phụ thu thêm vài ngàn.
Bún bắp được nhiều người yêu thích vì có thể ăn no mà không gây đầy bụng như cơm hay xôi. Nếu có lỡ ăn nhiều thì bạn vẫn có cảm giác dễ chịu chứ không bị khó tiêu như nhiều món bún khác. Khi đến Phú Yên, bạn có thể tìm món bún độc đáo, lạ miệng này tại các hàng quán ở thị trấn Chí Thạnh hoặc dọc đầm Ô Loan. Nếu muốn mua thử bún bắp, bạn cũng có thể đến lò bún cụ Hồ Đắc Kia ở thôn Hoà Bình, An Dân, Tuy An để mua trực tiếp nhé.
Bình luận