Mới đây, chàng trai Nguyễn Hùng Cường hiện đang sinh sống tại TP.HCM đã nhận được thông báo từ Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, công nhận anh là “Người thực hiện tác phẩm điêu khắc trên vỏ trứng đà điểu với các họa tiết về sen và trống đồng cách điệu bằng nhiều lỗ khoan nhất”.
Chia sẻ với Zing, anh cho biết mình đã mất tổng cộng 3 năm và trải qua không ít khó khăn lẫn những lần thất bại để hoàn thiện tác phẩm với 45.863 lỗ khoan trên một quả trứng. Số lỗ được đếm bằng cách quét ảnh và máy tính, sau đó zoom lên gần 200 lần.
Nói về dự án độc đáo này, Nguyễn Cường kể anh đã thực hiện nó khi đọc được bài báo đưa tin về nghệ nhân người Thổ Nhĩ Kỳ - ông Hamit Hayran đã lập kỷ lục thế giới khi khoan gần 12.000 lỗ trên quả trứng gà. Anh nói thêm rằng đó chỉ là một quả trứng gà với những lỗ nhỏ san sát nhau. Chín vì vậy anh muốn thực hiện tác phẩm này để chứng minh rằng nước ngoài làm được, người Việt Nam cũng làm được, thậm chí làm tốt hơn rất nhiều.
Để thực hiện dự án này, anh đã lên kế hoạch trong thời gian dài để đảm bảo sự tỉ mỉ vì anh muốn tác phẩm thể hiện được những nét đặc trưng, biểu tượng văn hóa của Việt Nam. Được biết, ngoài việc đạt số lượng lỗ khoan "khủng", tác phẩm của anh còn đặc biệt ở chỗ có họa tiết bông hoa sen ở đỉnh và hình trống đồng xung quanh quả trứng.
Tác phẩm độc đáo này được anh tạo hình từ những lổ tròn to nhỏ khác nhau từ 0.2 mm, 0.5 mm đến 3 mm. Nguyễn Cường cho biết việc thực hiện điêu khắc trên vỏ trứng đà điều rất khó khăn hơn vì vỏ trứng rất mỏng, giòn trong khi mũi khoan thì rất nhỏ, chỉ như sợi tóc (khoảng 0.2 mm). Anh chia sẻ quá trình thực hiện đòi hỏi sự kiên nhẫn cao độ và thật tỉ mỉ. Bởi chỉ cần vội vàng một chút thôi cũng có thể làm hỏng cả quả trứng, kể cả khi sắp hoàn thiện. Anh phải làm đến quả thứ 9 mới có được sản phẩm ưng ý.
Hiện tại, anh đang hoàn thiện hồ sơ để tác phẩm của mình được Tổ chức Kỷ lục Guinness công nhận là tác phẩm điêu khắc trên vỏ trứng nhiều lỗ nhất thế giới.
Theo chia sẻ thì anh có niềm đam mê lớn với việc làm đồ thủ công. Về dự định trong tương lai, Nguyễn Cương mong muốn mở một “học viện handmade”, đối tượng chủ yếu là những trẻ em vùng cao, các em người dân tộc thiểu số kỹ năng làm đồ thủ công.
Chia sẻ thêm về dự định của mình, Nguyễn Cường cho biết địa điểm học viện của anh sẽ không cố định, mà nó sẽ di động. Vì trước đây từng học chuyên ngành Sư phạm Mỹ thuật nên anh muón truyền đạt cho các em phát triển kỹ năng, sự khéo tay.
Bình luận