Tết Đoan Ngọ: Nguồn gốc, ý nghĩa, sự tích và phong tục ngày mùng 5 tháng 5

Moon Đăng lúc: Thứ tư, 01/06/2022 17:11 (GMT +7)
Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) hay còn gọi là Tết Đoan Dương, "Tết giết sâu bọ". Cùng 2 Đẹp tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa, sự tích và phong tục nhé!
Hashtag #Tết Đoan ngọ #NEWS #Nóng trên MXH

1. Tết Đoan Ngọ là gì? Ngày mùng 5 tháng 5 là ngày gì?

Tết Đoan Ngọ (Tết Đoan Dương) được tổ chức vào giờ Ngọ ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch. "Đoan" nghĩa là mở đầu, "Ngọ" là khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều.

Tết Đoan Ngọ là ngày Tết truyền thống của nhiều nước ở Đông Á như: Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan... 

2. Nguồn gốc ngày Tết Đoan Ngọ

  • Tại Trung Quốc

Cuối thời Chiến Quốc, Khuất Nguyên - một vị đại thần của nước Sở. Tương truyền, ông là tác giả bài thơ Ly Tao trong văn hóa cổ Trung Hoa, thể hiện tâm trạng buồn vì đất nước suy vong. Do can ngăn vua Hoài Vương không được, ông đã gieo mình xuống dòng sông Mịch La tự vẫn vào ngày 5/5 Âm lịch. Thương tiếc người trung nghĩa nên cứ đến ngày này, người dân Trung Quốc lại làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc rồi đua thuyền ra giữa sông, ném bánh, bỏ gạo vào ống tre để cúng Khuất Nguyên. 

  • Tại Việt Nam

Theo truyền thuyết kể lại, vào một ngày sau vụ mùa, nông dân ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ lại kéo đến ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Mọi người đau đầu vì không biết cách nào để giải nạn sâu bọ thì bỗng nhiên có một ông lão đi tới, tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cho dân chúng lập đàn cúng đơn giản, gồm bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà vận động thể dục. Người dân lập tức làm theo, một lúc sâu, đàn sâu bọ té ngã rũ rượi.

Đôi Truân còn nói, sâu bọ hàng năm vào ngày này rất hung hăng nên hễ cứ đế ngày 5/5 Âm lịch cứ làm theo những gì được bảo thì ắt sẽ trị được chúng. Vì vậy, để tưởng nhớ việc này, người ta đã gọi ngày 5/5 Âm lịch là "Tết giết sâu bọ", là giai đoạn bà con nông dân làm lễ tạ ơn trời đất, tổ tiên và ăn mừng mùa vụ.

Tết Đoan Ngọ: Nguồn gốc, ý nghĩa, sự tích và phong tục ngày mùng 5 tháng 5 - Ảnh 1

3. Sự khác biệt ngày Tết Đoan Ngọc ở 3 miền

Miền Bắc:

Ở miền Bắc, Tết Đoan Ngọ là dịp mọi người thường quây quần cùng gia đình. Ngay từ sáng sớm, người ta thường ăn rượu nếp, bánh tro, trái cây có vị chua như: mận, vải, sấu, xoài ... để giết sâu bọ, bệnh tật trong người. 

Ở một số vùng phía Bắc còn có tục nhuộm móng chân, móng tay cho trẻ em, tục treo ngải cứu để trừ tà, tục khảo cây lấy quả... Đối với những em bé chưa biết đi thì được lấy một ít vôi quệt vào thóp, ngực, rốn với mong muốn chúng sẽ không bị đau bụng, nhức đầu. Tuy nhiên, phần lớn các tục lệ này hiện nay đều bị bãi bỏ, trừ tục đi hái lá thuốc và tắm nước lá ở một số nơi. 

Miền Trung:

Vào ngày 5/5 Âm lịch hàng năm, các gia đình thường bày biện mâm cúng để mong cầu sự bình yên, mùa màng bội thu. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế thì không thể thiếu thịt vịt. Còn ở Huế, chè kê là một món ăn phổ biến trong dịp Tết Đoan Ngọ. Từ Đà Nẵng vào đến Quảng Ngãi, một số gia đình sẽ nấu xôi chè để cúng Tết Đoan Ngọ. Những nhà nào có trồng cây ăn quả thì cho trẻ nhỏ vào tận vườn hái ăn. 

Miền Nam: 

Chè trôi nước là một trong những món ăn được người dân miền Nam thưởng thức trong ngày Tết Đoan Ngọ. Ở một số nơi cũng thường nấu cơm rượu nếp. Tuy nhiên, phần cơm rượu không để rời mà được viên thành từng viên nhỏ và ăn kèm cùng xôi vò. Đồng thời, thịt vịt cũng là một món ăn thường xuất hiện tại mâm cơm cúng trong ngày này.

Mặc dù có nhiều nét khác biệt nhưng Tết Đoan Ngọ ở các tỉnh, thành đều có một số điểm tương đồng như: thưởng thức trái cây có vị chua, ăn cơm rượu nếp hoặc ăn bánh tro (bánh gio, bánh ú)... hoặc bày những mâm cơm cúng, mong cầu sự bình yên, hạnh phúc.

Tết Đoan Ngọ: Nguồn gốc, ý nghĩa, sự tích và phong tục ngày mùng 5 tháng 5 - Ảnh 2

4. Các món ăn ngày Tết Đoan Ngọ

  • Bánh tro: Bánh tro là món bánh phổ biến ở miền Bắc vào dịp Tết Đoan ngọ, món bánh này có màu vàng hổ phách, trong và dai Và ở một vài địa phương, bánh tro còn có những biến thể khác nữa.
  • Bánh ú tro: Bánh ú tro là món bánh phổ biến ở miền Trung và Nam thường sẽ có nhân đậu xanh, đậu xanh đã sên sẵn đường. Thậm chí ở miền Nam còn có bánh ú tro nhân mặn với nhân thịt, trứng muối.
  • Cơm rượu nếp: Theo quan niệm từ xa xưa, chính hương vị cay nồng từ rượu nếp sẽ khiến cho mọi kí sinh ở trong cơ thể chúng ta sẽ bị tiêu diệt.
  • Bánh khúc: Tết Đoan ngọ của người Nùng, bánh khúc là một món ăn không thể thiếu.
  • Chè kê: Chè kê là món ăn phổ biến của người Huế.
  • Chè trôi nước: Chè trôi nước chính là món ăn được lựa chọn trong ngày lễ giết sâu bọ 5/5 âm lịch của người miền Nam.
  • Thịt vịt: Ở miền Trung, trong ngày lễ giết sâu bọ, người dân lại lựa chọn thịt vịt để ăn. Người dân ở đây quan niệm rằng, từ mùng 5/5 âm lịch là bắt đầu đến mùa của vịt, thịt sẽ ngon, béo hơn và cũng không có mùi hơi.
  • Trái cây (hoa quả): Hoa quả sẽ được chọn theo mùa và phần lớn là vải, mận. Nếu thiếu đi một đĩa hoa quả này, thì có lễ Tết Đoan ngọ của người Việt Nam sẽ thiếu đi phần nào về hương vị và ý nghĩa vốn có của nó.

5. Tết Đoan Ngọ cúng gì? Mâm cúng ngày Tết Đoan Ngọ

Mâm cúng gia tiên gồm:  1 mâm cơm chay, các loại bánh chay, Xôi, Mâm ngũ quả, Bình hoa, 3 chén rượu, 3 chén trà, Tiền vàng âm phủ , 9 cây nến, Nhang.

Mâm cúng ngoài trời: Các loại bánh chay, Xôi, Mâm ngũ quả, Bình hoa, 5 chén rượu, 5 chén trà, 1 chiếc lọng đỏ viền vàng, 9 cây nến.

6. Nên và không nên làm gì ngày Tết Đoan Ngọ

Tết Đoan Ngọ gắn liền với tín ngưỡng của cả cộng đồng và trở thành một ngày lễ truyền thống của người dân Việt Nam. Vì vậy ngày Tết Đoan Ngọ nên tránh những điều sau:

- Không mua những vật phẩm kỳ quái, không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể sẽ rước thêm tà khí về nhà. 

- Tránh để giày dép lộn xộn, không đúng chỗ bởi dễ chiêu dụ tà khí. 

- Không làm rơi tiền, rơi ví trong ngày Tết Đoan Ngọ chẳng khác gì bạn để rơi mất tài lộc, tài vận trong năm sẽ đi xuống. 

7. Bài cúng ngày Tết Đoan Ngọ

Văn khấn cúng ngày Tết Đoan Ngọ

Nam mô A Di Đà Phật !

Nam mô A Di Đà Phật !

Nam mô A Di Đà Phật ! (3 lạy)

- Gia chủ con xin lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

- Con xin kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

- Con xin kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.

- Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ, chư vị Hương linh (trường hợp bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ khảo, Tổ Tỷ)

Tín chủ chúng con có tên là: ...Ngụ tại địa chỉ: ...

Hôm nay là ngày Đoan Ngọ, chúng con có tấm lòng thành cùng với hương đăng, chuẩn bị lễ vật, hoa đăng, trà quả dâng lên trước án.

Chúng con xin kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng, Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần, cúi xin các Ngài ngự về trước án chứng giám lòng thành của chúng con và thụ hưởng lễ vật.

Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên 2 bên nội ngoại..., cúi xin các vị rủ lòng thương xót cho toàn thể các con cháu và chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ tại nhà này phù độ cho chúng con bản mệnh bình an, tai qua nạn khỏi, mọi sự hanh thông, gặp nhiều may mắn. Bốn mùa không hạn ách, luôn được sống trong bình an thịnh vượng. Chúng con lễ bạc tâm thành, kính cẩn trước hương án, cúi xin được các chư vị phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật !

Nam mô A Di Đà Phật !

Nam mô A Di Đà Phật ! (3 lạy).

8. Giờ thắp hương cúng Tết Đoan Ngọ

Giống như tên gọi thì Đoan nghĩa là mở đầu và Ngọ nghĩa là giờ ngọ với khoảng thời gian từ 11 giờ sáng tới 1 giờ chiều. Như vậy thời gian gia chủ nên cúng Tết Đoan Ngọ sẽ trong khoảng thời gian trên. Nhưng ngày nay, do tính chất công việc, do đó chúng ta có thể dịch chuyển khoảng thời gian này sao cho phù hợp với công việc của gia đình mình đều được.

Tết Đoan Ngọ: Nguồn gốc, ý nghĩa, sự tích và phong tục ngày mùng 5 tháng 5 - Ảnh 3

9. Cách làm bánh tro ngày Tết Đoan Ngọ

* Nguyên liệu:

Gạo nếp (1kg), Nước (5 lít), Muối (8gr), Đường, Bột làm nước tro tàu (30gr), Nước mía (nguyên chất), Lá gói bánh (Lá dong, lá chuối), Lạt buộc.

* Cách làm bánh

Bước 1: Ngâm gạo

Gạo nếp vo sạch, đem ngâm trong nước 5-6 tiếng (có thể thêm ít muối vào nước ngâm gạo). Sau đó, đổ nước cũ và thêm nước mới vo lại lần nữa. Dùng 30gr bột tro với 1,5 lít nước và hòa tan, ngâm gạo 20-22 tiếng đem rửa sạch và để ráo.

Bước 2: Gói bánh

Dùng lá gói bánh đã rửa sạch và chần qua nước sôi rồi để khô hoặc lau khô. Xếp 2 lá chồng nhau, đầu cuốn thành hình phễu. Sau đó cho lượng gạo tương đương vào phễu lá đã chuẩn bị. Dùng thìa ấn nhẹ để phần gạo nếp được nén chặt. Tiếp theo, gập hết phần góc còn lại của lá cho kín và dùng lại buộc lại. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi hết phần gạo đã chuẩn bị. 

Bước 3: Luộc bánh

Bánh sau khi gói cho vào nước tro ngâm gạo sao cho bánh chìm trong nước. Thời gian luộc bánh là 1,5-2,5 tiếng. Khi bánh chính, vớt ra và xả dưới vòi để bánh nhanh nguội và làm sạch bánh.

Bước 4: Làm mật mía

Dùng nước mía nguyên chất cho vào nồi, đun lửa nhỏ đến khi sôi rồi hớt bọt phía trên rồi tiếp tục đun đến khi nước mía cô đọng, có màu nâu sền sệt. Trường hợp không có nước mía, bạn có thể sử dụng đường trắng. Cho một lượng đường trắng vừa đủ vào chảo và đun nhỏ lửa đến khi đường tan hoàn toàn, có màu cánh gián và quánh lại.

Bạn cũng có thể làm món bánh tro nhân ngọt với đậu xanh sên đường hoặc bánh tro nhân mặn với nhân thịt mỡ, trứng muối.

Trên đây là một số thông tin về nguồn gốc, ý nghĩa và các tập tục trong ngày Tết Đoan Ngọ. Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã hiểu hơn về ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch - ngày Tết "giết sâu bọ" của nước mình.

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ gồm có những món ăn gì? Tết Đoan Ngọ là gì mà cứ đến ngày là ai cũng ăn rượu nếp để "giết sâu bọ"? Học nhanh cách làm bánh tro đơn giản cho ngày Tết Đoan Ngọ
Copy URL

Bình luận

Tin đáng chú ý

Chủ đề mới trên 2Đẹp

News feed

Recommend