Tré, món đặc sản chua ngọt giòn giòn được ưa thích tại xứ nẫu Bình Định

Quả Chanh Thành Tinh Đăng lúc: Thứ hai, 28/02/2022 10:24 (GMT +7)
Tré là một món ăn lạ mắt, lạ miệng được nhiều người yêu thích và thường mua về làm quà mỗi dịp đến Bình Định du lịch.
Hashtag #Quán ăn ngon ở Quy Nhơn #Ẩm thực việt nam #Đặc sản Việt Nam #LIFESTYLE #Ăn sung uống sướng

Khi đến Bình Định, bạn có thể tìm kiếm một số đặc sản như bánh xèo tôm nhảy, bánh dây Bồng Sơn, bún rạm, bánh hỏi cháo lòng… để thưởng thức. Thế nhưng Bình Định còn có một món ngon mà bạn có thể mua về làm quà cho gia đình, bạn bè là tré. Không ai biết món tré Bình Định có nguồn gốc từ đâu và xuất hiện bao giờ, chỉ biết món ăn này mà một trong những món ăn xuất hiện từ bàn nhậu cho đến những mâm cơm cỗ ở đây. 

Tré, món đặc sản chua ngọt giòn giòn được ưa thích tại xứ nẫu Bình Định - Ảnh 1

Thoạt nhìn, nhiều người sẽ cảm thấy ngạc nhiên với hình dáng bên ngoài có phần lạ mắt của món ăn. Tré Bình Định nhất thiết phải dùng một lớp rơm khô để bọc lại bên ngoài, sau đó buộc chặt hai đầu. Nguyên liệu để làm món tré cũng khá quen thuộc như thịt ba chỉ, tai heo, riềng, tỏi, mè, ớt, lá ổi non… Thế nhưng nhờ vào cách nêm gia vị khéo léo mà món ăn này có đủ các vị ngọt, béo, bùi, chua, cay.

Món tré Bình Định có hình dáng bên ngoài lạ mắt.
Món tré Bình Định có hình dáng bên ngoài lạ mắt.

Đầu tiên, người đầu bếp sẽ thái mỏng thịt thủ, tai heo và thịt ba chỉ, sau đó thêm gia vị cho vừa ăn rồi gói bằng một lớp lá ổi non và dùng nilon bọc lại cho chặt. Tuỳ vào sở thích và khẩu vị mà người ta còn sử dụng thịt thủ khi làm món này.

Tiếp đó, tré được gói thêm một lớp rơm khô bên ngoài cùng và cố định lại bằng lạt tre chẻ mỏng. Sau khi chờ từ 2 đến 3 ngày, tré sẽ lên men tự nhiên, chín dần và có vị chua nhẹ kết hợp cùng vị thơm đặc trưng của riềng, tỏi và có thể mang ra mời khách.

Ngoài thịt, để tré có được mùi thơm tự nhiên và hấp dẫn, bạn cần chuẩn bị kĩ khi làm thính gạo. Gạo sau khi được rang vàng sẽ cho vào cối hoặc máy xay sinh tố để giã, xay mịn. Đặc biệt, bạn cần phải chờ cho gạo nguội hẳn để hạt gạo khi đó giòn và giã sẽ mịn hơn.

Tré sau khi đã chín và được mang ra thưởng thức.
Tré sau khi đã chín và được mang ra thưởng thức.

Để thưởng thức món ăn này, bạn chỉ cần tháo bỏ phần rơm bên ngoài và bọc nilon, dùng đũa đánh tơi phần tré bên trong và từ từ thưởng thức. Cách ăn tré cũng khá đa dạng, bạn có thể ăn trực tiếp, cuốn bánh đa hoặc đem trộn nộm. Tuy nhiên cách ăn ngon và phổ biến hơn cả là ăn tré cùng bánh đa, cuốn cùng các loại rau sống như đu đủ bào sợi, chuối xanh, rau thơm, dưa leo…, sau đó đem chấm cùng nước mắm tỏi ớt. 

Ngoài cách ăn trực tiếp, bạn có thể làm món tré trộn. Ảnh: @gabong.foodie.
Ngoài cách ăn trực tiếp, bạn có thể làm món tré trộn. Ảnh: @gabong.foodie.
Ảnh: @gabong.foodie.
Ảnh: @gabong.foodie.

Món tré nổi bật với mùi thơm của thính gạo, mùi lá ổi và mùi lúa chín của phần rơm bọc bên ngoài. Đây là một món ăn dân dã thường xuất hiện trong các bữa nhậu, dịp lễ Tết hoặc làm món khai vị trong các bữa cỗ ở Bình Định. Vị chua dìu dịu kết hợp với vị bùi béo của thịt trộn thính, vị cay nồng đặc trưng của riềng… sẽ khiến bạn ăn hoài không ngán.

Một số địa chỉ bán tré ngon ở Bình Định

- Cửa hàng Thanh Liên, 128 Chương Dương, thành phố Quy Nhơn, Bình Định

- Quán Bốn Lai, thôn Hanh Quang, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, Bình Định

- Quán nem nướng Lợi, 113 Tăng Bạt Hổ, thành phố Quy Nhơn, Bình Định

Bánh dây Bồng Sơn, món đặc sản dung dị không phải ai cũng biết khi đến Bình Định Bánh xèo tôm nhảy, món đặc sản dân dã ăn là nghiền của đất võ Bình Định Bún rạm, món ăn dân dã không thể bỏ qua khi đến thăm đất võ Bình Định
Copy URL

Bình luận

Tin đáng chú ý

Chủ đề mới trên 2Đẹp