Bệnh Whitmore bùng phát ở miền Trung do mưa lũ

Thu Trần Đăng lúc: Thứ ba, 17/11/2020 21:48 (GMT +7)
Chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận gần 30 bệnh nhân Whitmore, trong khi 9 tháng đầu năm chỉ có 11 ca.
Hashtag #Bệnh Whitmore #Bệnh về da #Bệnh thường gặp #NEWS #Nóng trên MXH

Theo ghi nhận thì trong tổng số bệnh nhân Whitmore, có khoảng 50% bệnh nhân đến từ các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị, 50% bệnh nhân quê ở Thừa Thiên Huế. Trong đó có rất nhiều người nhập viện ở giai đoạn muộn, bị nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng... gây khó khăn trong quá trình điều trị.

Sáng nay 17/11, Bác sĩ Hoàng Lan Hương - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế - cho biết số bệnh nhân tăng nhanh do bão lụt kéo dài tại các tỉnh miền Trung từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11.

Trong 6 năm từ 2014 đến 2019, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận trung bình mỗi năm 14 ca, tuy nhiên hơn 10 tháng của năm nay đã nhận 41 ca.

Bệnh Whitmore bùng phát ở miền Trung do mưa lũ - Ảnh 1

Theo các bác sĩ, sự tăng đột biến số lượng ca Whitmore trong tháng 9, 10 và 11 tại Việt Nam tương đổng với những kết quả nghiên cứu ở các vùng dịch bệnh khác trên thế giới.  Bởi bệnh Whitmore thường liên quan chặt chẽ với tình trạng mưa lũ hàng năm, nếu mưa lũ càng nhiều thì số bệnh nhân sẽ càng tăng lên.

"Số ca đặc biệt tăng cao sau lũ lụt do sự phát triển mạnh mẽ của vi khuẩn Burkhoderia Pseudomallei - tác nhân gây bệnh Whitmore", bác sĩ Hương nói.

Bệnh Whitmore hay còn gọi là bệnh Melioidosis, do trực khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây ra. Đây là loại vi khuẩn được tìm thấy trong đất, nước bẩn, đồng ruộng và các vùng nước tù đọng. Bệnh có thể lây lan sang người và cả động vật thông qua tiếp xúc trực tiếp.

Được biết, loại vi khuẩn này có thể được dùng như một tác nhân tiềm năng trong chiến tranh sinh học và khủng bố sinh học bởi sức lây lan đặc biệt nguy hiểm của nó.

Vi khuẩn gây Whitmore từ môi trường bên ngoài xâm nhập cơ thể chủ yếu qua những vị trí da bị xây xước hoặc qua vết thương. Hoặc cũng có thể do hít phải bụi, hơi nước nhiễm khuẩn hoặc uống nước nhiễm khuẩn Burkholderia Pseudomallei.

Ở những vị trí vi khuẩn xâm nhập sẽ xuất hiện các mụn mủ to nhỏ tùy theo mức độ nặng nhẹ, có khi là cả một ổ áp xe lớn.

Bệnh Whitmore bùng phát ở miền Trung do mưa lũ - Ảnh 2

Đối với những người có sức đề kháng kém như bệnh nhiễm trùng mạn tính, sử dụng thuốc corticoid kéo dài, tiểu đường, bệnh thận, người nghiện rượu, nghiện ma túy... thì khi vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei xâm nhập máu sẽ gây nhiễm khuẩn huyết nặng. Chúng sẽ đi theo dòng máu đến khắp các cơ quan trong cơ thể, nhất là gan, lách, phổi, dẫn đến các ổ áp xe từ nhỏ đến lớn hoặc có thể liên kết với nhau. Do đó, Whitmore còn được gọi là vi khuẩn ăn thịt người.

Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn tiến trầm trọng, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, bệnh nhân có thể tử vong. Một trường hợp cụ thể là chủ tịch xã ở Quảng Bình đã tử vong do nhiễm khuẩn bệnh Whitmore trong những ngày chống bão lũ vào ngày 12/11 vừa qua.

Triệu chứng của bệnh Whitmore

Triệu chứng lâm sàng tùy theo thể bệnh: thể tối cấp, cấp tính hoặc mạn tính. Với thể tối cấp, bệnh nhân có thể tử vong nhanh (sau khoảng 48 giờ), tuy nhiên thể bệnh tối cấp gặp không nhiều.

Bệnh nhân Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, không rõ ràng, tổn thương đa cơ quan: viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn tản mạn, nhiễm khuẩn khu trú như áp xe cơ, áp xe phần mềm, áp xe gan,viêm hạch, viêm xương... Bệnh dễ bỏ sót và dễ nhầm với bệnh khác, đặc biệt là lao do tính chất tổn thương giống lao.

Thể cấp tính gồm sốt cao, mạch nhanh, khó thở nhanh, đau cơ, gan lách lớn, sốc nhiễm trùng... Tỷ lệ tử vong giai đoạn này lên 90% nếu không được điều trị và 50% khi được điều trị.

Triệu chứng phổ biến nhất của Whitmore xuất phát từ nhiễm trùng ở phổi. Tình trạng bệnh có thể diễn tiến nhẹ từ viêm phế quản đến viêm phổi nặng, hình thành khoang chứa mủ (abscess phổi). Bệnh còn biểu hiện khu trú bằng các ổ nhiễm trùng trên da (viêm mô tế bào) kèm sốt và đau cơ.

Bệnh Whitmore bùng phát ở miền Trung do mưa lũ - Ảnh 3

Điều trị bệnh Whitmore

Bệnh Whitmore điều trị khá khó khăn do vi khuẩn kháng với hầu hết kháng sinh thông thường.

Theo đó, quá trình điều trị gồm hai giai đoạn. Giai đoạn tấn công (điều trị kháng sinh đường tĩnh mạch) mục đích ngăn tình trạng nhiễm khuẩn nặng để cứu sống bệnh nhân. Giai đoạn duy trì (kháng sinh uống) với mục đích tiêu diệt các vi khuẩn còn sót lại, giảm nguy cơ tái phát.

Hiện tại chưa có vaccine phòng bệnh. Những vùng có bệnh Whitmore lưu hành, những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch như AIDS, ung thư, những bệnh nhân hóa trị... nên tránh tiếp xúc với đất và nước bị ô nhiễm, đặc biệt là ở các khu vực trang trại.

Bệnh Whitmore bùng phát ở miền Trung do mưa lũ - Ảnh 4

Cách phòng bệnh Whitmore

Trước tình hình bệnh lây lan nhanh suốt thời gian qua, Bác sĩ Lan Hương khuyến cáo để phòng bệnh Whitmore, người dân vùng lũ lụt mưa bão nên hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng.

Đối với người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, nước lụt, nên sử dụng giày, dép và găng tay bảo hộ.

Khi có vết thương hở, vết loét... tránh tiếp xúc với đất hoặc nước lũ bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và rửa sạch đảm bảo vệ sinh. Người có bệnh mạn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch phải chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn do nước lũ.

Khi nghi ngờ bệnh, nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.

Bệnh nhân nhiễm HIV đầu tiên ở Việt Nam giờ ra sao? Đà Nẵng giải thể bệnh viện dã chiến sau 3 tháng không có ca Covid-19 nào Bệnh nhân Covid-19 dương tính tại Hà Nội lại xét nghiệm âm tính Tự ý dùng thuốc giảm đau, bệnh nhân bị ngưng thở, suýt chết Bão Vamco khiến bệnh viện, trường học tốc mái, đường xá hư hỏng nặng
Copy URL

Bình luận

Tin đáng chú ý

Chủ đề mới trên 2Đẹp

News feed

Recommend