Một câu hỏi tuy đơn giản nhưng lại xảy ra tranh cãi lớn, thậm chí đối với cả giới chuyên môn, nhà khoa học: Thập niên thứ 3 của thế kỷ thứ 21 bắt đầu và kết thúc vào ngày nào. Hiện đã xuất hiện 2 luồng ý kiến tranh luận nổ ra như sau:
Ý kiến thứ 1: Bắt đầu từ ngày 1/1/2020 và kết thúc vào ngày 31/12/2029.
Ý kiến thứ 2: Bắt đầu từ ngày 1/1/2021 và kết thúc vào ngày 31/12/2030.
Vậy đâu mới là câu trả lời đúng nhất?
Theo New York Times, các nhà khoa học hàng đầu tại Cơ quan Quan sát Hải quân Hoa Kỳ (USNO - United States Naval Observatory) là những người ủng hộ cho ý kiến thứ 2 là vào ngày 1/1/2021. Được biết, đây là tổ chức quản lý và vận hành chiếc đồng hồ nguyên tử "chủ" (master clock) để xác định giờ giấc cho toàn nước Mỹ, cho giới quân sự và hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu GPS.
Và để giải thích cho lựa chọn này, USNO đã dùng cách đánh số thứ tự các năm theo hệ thống lịch Julian đã được điều chỉnh (MJD - Modified Julian Date), một hệ thống lịch thường được giới thiên văn và trắc địa toàn thế giới sử dụng vì tính chuẩn xác về phương diện toán học và thời gian. Được biết lịch Julian được Hoàng đế Caesar khai triển từ năm 45 trước Công nguyên.
Theo lịch này, Trái đất quay quanh Mặt trời 1 vòng mất hết 365 ngày 6 giờ, tức là 1 năm 365,25 ngày, nhưng thời gian đúng thật sự ít hơn 11 phút, chỉ có 365 ngày 5 giờ 49 phút 12 giây (365,2425 ngày). Do đó, càng về lâu dài thì lịch Julian càng sai lệch về mặt thời gian thực.
Sau này, khi hệ thống lịch Julian đã được điều chỉnh để xác định chính xác hơn ngày lễ Phục sinh bởi tu sĩ Dionysius Exiguus, ông cũng là người phát minh ra chữ số La Mã để để đánh thứ tự cho các năm. Họ xem năm Chúa Giáng sinh là năm đầu tiên, gọi là Anno Domini (viết tắt là AD với ý nghĩa: năm của Chúa chúng ta), nhưng do hệ thống số La Mã không có số 0 nên năm thứ nhất cũng gọi là "nulla" nghĩa là "không có gì". Còn số 0 và hệ thống số thập phân chỉ xuất hiện ở châu Âu sau này vào thế kỷ thứ 13. Do đó, ta thấy người ta sử dụng từ AD để chỉ các năm sau Chúa Giáng sinh và BC (Before Christ) để chỉ năm trước khi Chúa giáng sinh.
Sau một thời gian, ai cũng nhận thấy lịch Julian có sai số về cách tính thời gian, năm 1582 Giáo hoàng Gregory XIII (1502 - 1585) muốn sửa đổi lịch. Từ khi lịch Julian được sử dụng, đã dội ra 10 ngày so với thực tế nên Ngài lệnh bỏ bớt 10 ngày của tháng 10/1582. Hôm thực thi là ngày 4/10, hôm sau đáng lẽ là 5/10 nhưng theo lịch mới phải là 15/10. Sau đó, bộ lịch này lấy tên của Giáo hoàng Gregory và phổ biến đến ngày nay.
Một trong những quy ước mà hệ thống lịch này ấn định là thế kỷ 1 được bắt đầu từ ngày 1/1/1 và kết thúc vào ngày 31/12/100. Công thức tính thế kỷ n là lấy 100 nhân cho n và trừ đi 99. Dựa vào đây, có thể xác định, thế kỷ 20 kết thúc vào 31/12/2000, thế kỷ 21 bắt đầu vào 1 ngày sau đó. Còn thập niên thứ 3 của thế kỷ này phải bắt đầu vào 1/1/2021 chứ không phải 1/1/2020.
Nhà nghiên cứu ngôn ngữ Tiger Webb cho rằng thập kỷ đầu tiên đúng là bắt đầu từ 1/1/1 nếu dựa vào bảng tính nhưng từ lâu, con người đã không xem như vậy. Họ đều nghĩ một thập kỷ sẽ bắt đầu bằng năm có chữ số 0, kết thúc bằng năm có chữ số 9. Đúng thật, nhiều người đều có chung đáp án là họ xem 10 năm của thập niên thứ 2 thế kỷ 21 bắt đầu từ 1/1/2010 và đã kết thúc vào 31/12/2019, tức là cách đây 1 năm rồi. Ngày 1/1/2020, nhiều nước trên thế giới đã tổ chức sự kiện chào năm mới lớn hơn vì họ xem đây là năm bắt đầu một thập kỷ mới nữa.
Hiện, hầu hết các nước trên thế giới đều không đưa cách tính thời gian vào các văn bản có tính pháp lý do vậy không có điều gì ràng buộc rằng ý kiến nào đúng hay sai. Điều này cho phép bạn có thể ăn mừng thập kỷ mới cách đây đã 1 năm hoặc chuẩn bị cho dịp trên vào ngày 1/1/2021 mà không sợ bị ai phàn nàn. Nhưng về mặt khoa học và tính thiên văn thì phần lớn đều xác định rõ ràng thiên niên kỷ thứ 3 hay thế kỷ thứ 21 đều được bắt đầu vào ngày 1/1/2001, còn ngày 1/1/2021, nhân loại sẽ bước vào thập kỷ thứ 3 của thế kỷ 21.
Bình luận