Một tuần sau khi sống sót trong vụ sạt lở núi, Thượng tá Ngô Nam Cường - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế - dần ổn định tâm lý.
Ông kể trên VnExpress, chiều 12/10, nghe thông tin 17 công nhân ở thủy điện Rào Trăng 3 bị đất đá vùi lấp, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man - Phó Tư lệnh Quân khu 4 - dẫn đầu đoàn công tác 21 người vào hiện trường. Khoảng 16h, khi đến đập tràn Khe Cát cách đó không xa, đoàn công tác dừng lại. Thấy dòng nước lũ từ thượng nguồn qua Khe Cát chảy xiết, ôtô không qua được, tướng Man quyết định bỏ ôtô lại, cả đoàn vượt đập tràn hành quân vào Rào Trăng 3.
Trời tối dần, mưa không ngớt, một bên núi cao, một bên vực sâu, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man động viên anh em tiếp tục lên đường.
Sau khoảng 5 tiếng đi bộ, đoàn đến tiểu khu 67, Trạm kiểm lâm Sông Bồ và quyết định dừng nghỉ tại đây. Dãy nhà cấp bốn lợp mái tôn có 3 phòng nghỉ. Đêm tối, lại cần chỗ nghỉ ngơi, cả đoàn quyết định phá khoá, tìm được bên trong trạm một ít gạo và nước mắm. Họ phân công nhau đi kiếm củi, thổi cơm ăn với nước mắm cho ấm bụng rồi trải chiếu ngả lưng.
Trước lúc đi ngủ, họ gọi điện về báo còn cách thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 13 km.
Trước đó, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Cục phó Cục Cứu hộ Cứu nạn Bộ Quốc phòng, còn giao nhiệm vụ cho hai người trong đoàn đi kiểm tra xung quanh. Kết quả trinh sát cho thấy ngôi nhà còn cách cách đồi núi một đoạn ngắn, ngọn núi thấp, tương đối an toàn.
Cả đoàn nghỉ ngơi chưa được bao lâu thì một tiếng nổ lớn vang lên. Thượng tá Ngô Nam Cường cùng hai nhân chứng khác nhớ lại, lúc đó có tiếng hô "tất cả nằm vào góc chữ A". Chỉ trong tích tắc, hai gian bên cạnh đã bị đất đá bùn vùi lấp, chỉ còn 1 gian 8 người. Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế bị hai bức tường đổ đè lên chân nhưng được các đồng đội lôi ra ngoài.
Các thành viên sống sót đã định ở lại để giải cứu đồng đội nhưng ngay sau đó là tiếng động lớn và trận sạt lở thứ 2 xảy ra xóa sổ toàn bộ trạm kiểm lâm Sông Bồ. Họ không còn lựa chọn nào ngoài việc chạy ra xa hiện trường, sau đó đi bộ quay về tới Khe Cát, nơi dừng ô tô.
Đến khoảng 4h sáng, đoàn mới về được trụ sở xã Phong Xuân, báo cáo lại sự việc với các cấp chỉ huy và đề nghị triển khai lực lượng tìm kiếm 13 thành viên mất tích.
Sáng ngày 13/10, Sở chỉ huy tiền phương đã được thành lập tại xã Phong Xuân để tổ chức cứu hộ cứu nạn với lực lượng lên đến gần 1000 người.
Bình luận